Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk trả lời các câu hỏi của phóng viên nhí, ngày 9/5/2024.

Trong một cuộc trò chuyện với một bé gái 10 tuổi, một trong những phóng viên được công nhận tại quốc hội Ba Lan, khi được em bé hỏi tại sao Liên hợp quốc hoặc NATO vẫn chưa can thiệp vào Ukraine, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói:

“Binh sĩ NATO đã có mặt tại Ukraine. NATO hôm nay đang giúp đỡ nhiều nhất có thể. Nếu không có sự giúp đỡ của khối này, Kiev sẽ không thể tự vệ lâu như vậy”.

“À, và có một số binh lính ở đó. Họ là những quan sát viên, kỹ sư. Họ ở đó để giúp đỡ Kiev”, ông nói thêm.

Phóng viên nhí, được truyền thông Ba Lan xác định là Sara Malecka-Trzaskos, đã hỏi Thủ tướng Tusk về việc xung đột Nam Tư kết thúc như thế nào, đề cập đến việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc vào những năm 1990.

Nhà lãnh đạo Ba Lan nói rằng, Liên hợp quốc “đã thất bại trong cuộc thử nghiệm” ở Balkan, và “quân đội thực sự, quân NATO” đã phải can thiệp và ném bom Belgrade để chấm dứt chiến tranh, dường như đã làm xáo trộn cuộc xung đột 1992-1995 ở Bosnia- Herzegovina, và chiến dịch ném bom năm 1999 ở Kosovo.

Về lý do tại sao khối do Mỹ đứng đầu không làm điều tương tự với Ukraine, ông Tusk cho hay: “Mọi người trên thế giới đều lo sợ rằng, một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra trong trường hợp xảy ra đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga”.

Trước đó cùng ngày, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lập luận rằng, khối này sẽ không triển khai lực lượng tới Ukraine vì Kiev không yêu cầu điều đó.

“NATO không có ý định triển khai lực lượng tới Ukraine. Khi tôi đến thăm Kiev vào tuần trước, người Ukraine đã không yêu cầu NATO đưa quân tới đất nước họ, điều họ yêu cầu là được hỗ trợ nhiều hơn”, ông Stoltenberg nói với các phóng viên trong chuyến đi tới Italia.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhiều lần đưa ra khái niệm về sự can thiệp của NATO vào Ukraine, nhấn mạnh rằng, không nên loại trừ điều này như một phần của “sự mơ hồ về mặt chiến lược”.

Ông Macron gợi ý rằng, binh lính phương Tây có thể được điều động “nếu người Nga đột phá được tiền tuyến”, và nếu chính phủ Ukraine yêu cầu điều đó.

Nga đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và các đồng minh rằng, họ có nguy cơ đối đầu trực tiếp bằng cách cung cấp vũ khí, đạn dược và tiền bạc cho Ukraine.

Phương Tây đã hỗ trợ Kiev với khoản viện trợ trị giá hơn 200 tỷ USD, đồng thời nhấn mạnh rằng, điều này không khiến họ phải tham gia vào cuộc xung đột.

Theo RT